3 phương pháp trị sẹo mụn giúp khắc phục làn da nhiều tì vết

Mụn là một vấn đề lớn đối với nhiều người và sẹo sau mụn lại là một vấn đề nan giải khác. Theo thời gian, mụn cuối cùng sẽ biến mất nhưng những vết sẹo lại khiến chúng ta tốn nhiều công sức hơn để giải quyết. Tuy nhiên, nền y học ngày nay đã có nhiều phương pháp trị sẹo mụn hiện đại, giúp chúng ta dứt điểm nỗi lo về tàn dư của mụn trứng cá.

Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về những biện pháp khác nhau trong việc làm giảm sự xuất hiện của sẹo mụn và thúc đẩy quá trình tái tạo làn da.

Nên làm gì khi sẹo mụn xuất hiện?

Sẹo mụn hình thành khi các mô da bị hư hỏng. Nặn mụn hoặc thường xuyên chạm tay vào nốt mụn chắc chắn có thể làm làn da của bạn bị tổn thương và gây ra sẹo. Nhưng ngay cả khi bạn thực sự cẩn thận với làn da của mình, sẹo vẫn có thể phát triển.

Có một vài điều bạn nên làm khi sẹo xuất hiện. Trước tiên: kiểm soát sự phát triển của mụn trứng cá. Hãy đến gặp bác sĩ da liễu để trao đổi về các vấn đề của da mà bạn đang bận tâm và làm theo hướng dẫn của họ một cách chính xác. Khi tình trạng da được làm rõ, bạn có thể quyết định những bước cần phải thực hiện tiếp theo.

Phương pháp trị sẹo mụn 1: Sử dụng thành phần hóa học

Những hoạt chất này thường có trong những sản phẩm đặc trị không kê đơn. Chúng có tác dụng kiểm soát mụn và làm giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo do mụn gây nên.

Salicylic acid

Salicylic acid là một hợp chất tự nhiên thường có mặt trong các sản phẩm điều trị mụn trứng cá. Salicylic acid có tác dụng làm sạch bụi bẩn, tế bào da chết và các tạp chất gây mụn trứng cá nằm sâu trong lỗ chân lông.

Nó cũng giúp làm giảm sưng đỏ ở vùng da bị mụn, từ đó có thể giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo.

Salicylic acid có tác dụng điều trị với tất cả các loại sẹo. Nó đóng vai trò là một thành phần quan trọng trong thói quen chăm sóc da hàng ngày của hầu hết những người sống chung với mụn trứng cá.

Những người có da nhạy cảm có thể cần phải thử nghiệm những sản phẩm có chứa chất này trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng nó trên toàn bộ khuôn mặt, vì nó có thể gây ra tình trạng khô da hoặc kích ứng ở một số người.

Retinoids

Một số sản phẩm bôi lên da có chứa retinoids sẽ giúp bạn thoát khỏi sẹo mụn trứng cá. Retinoids làm giảm viêm, tổn thương do mụn trứng cá và gia tăng tốc độ tái tạo tế bào. Bên cạnh đó, retinoids có thể giúp làm sáng các vết thâm mụn, kể cả ở những người có làn da tối màu.

Cần lưu ý rằng retinoids có thể làm cho làn da trở nên nhạy cảm với ánh mặt trời. Bạn nên dùng kem chống nắng khi sử dụng retinoids để điều trị mụn trứng cá hoặc sẹo.

Phương pháp trị sẹo mụn 2: Sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên

Rất nhiều người sử dụng các phương pháp tự nhiên để làm mờ những vết sẹo mụn. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn còn một số điểm chưa được khoa học kiểm chứng. Một số sản phẩm có thể gây ra kích thích hoặc các vấn đề khác, vì vậy bạn nên sử dụng chúng một cách thận trọng.

Những biện pháp thiên nhiên mà xưa nay nhiều người vẫn dùng để điều trị vết sẹo mụn:

  • Dầu dừa
  • Bơ shea
  • Nha đam
  • Mật ong nguyên chất
  • Baking soda
  • Nước cốt chanh
  • Giấm táo

Phương pháp trị sẹo mụn 3: Áp dụng điều trị bằng công nghệ cao

Một số phương pháp điều trị bằng công nghệ sẽ giúp làm giảm vết sẹo mụn. Những biện pháp này có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào tình trạng da và mức độ của sẹo.

Thay da hóa học (Chemical peels)

Khi các sản phẩm trị thâm mụn thông thường đã không còn tác dụng thì thay da hóa học chính là giải pháp tốt nhất dành cho bạn. Các sản phẩm thay da sẽ có nồng độ acid mạnh và tác động sâu hơn so với các sản phẩm tẩy da chết thông thường.

Những loại hóa chất thường dùng trong công nghệ thay da là glycolic acid, salicylic acid, lactic acid, polyhydroxy acid, pyruvic acid và trichloroacetic acid (TCA). Bác sĩ da liễu sẽ dựa vào loại da và mức độ nghiêm trọng của sẹo để chỉ định phương pháp thay da phù hợp với từng người.

Đây là phương pháp sử dụng hóa chất để loại bỏ các tế bào chết, từ đó tạo cơ hội cho lớp da mới khỏe mạnh hơn được phát triển. Vì thế, tốc độ phục hồi vùng da bị tổn thương do mụn sẽ tăng nhanh và tình trạng sẹo mụn sẽ được cải thiện một cách nhanh chóng.

Tiêm giảm sẹo lồi (Injections)

Tiêm corticosteroid có thể giúp điều trị sẹo phì đại hay sẹo lồi. Nó có thể được tiêm trực tiếp vào mô sẹo để thu hẹp hoặc làm phẳng, làm mềm chúng và cải thiện sự xuất hiện của sẹo trên da.

Việc điều trị thường bao gồm nhiều liệu trình. Các lần tiêm này sẽ cách nhau mỗi tuần, tùy thuộc vào mức độ của sẹo và tiến trình khôi phục.

Tiêm chất làm đầy (Dermal filler)

Trong một số trường hợp, chuyên gia da liễu có thể khuyên bạn sử dụng chất làm đầy (filler) để điều trị sẹo mụn.

Bác sĩ da liễu có thể chọn một loại filler có gốc collagen đã được chứng nhận đảm bảo chất lượng hoặc các chất có tác dụng làm đầy như: polymethylmethacrylate (PMMA), acid hyaluronic (HA) và poly-L-lactic acid (PLLA). Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy mô mỡ từ một phần khác của cơ thể để sử dụng như một loại filler.

Phương pháp tiêm chất làm đầy phù hợp với các vết sẹo lõm. Tuy nhiên, chúng chỉ là biện pháp tạm thời, thời gian tồn tại trong cơ thể thường chỉ kéo dài từ 6 đến 18 tháng.

Trị liệu bằng tia laser (Laser treatment)

Điều trị bằng laser là phương pháp giúp tái tạo bề mặt da mà không cần dùng hóa chất. Nó loại bỏ các lớp trên cùng của da và để lộ ra các tế bào da trẻ hơn ở bên dưới, từ đó làm giảm sự xuất hiện của sẹo mụn.

Tuy nhiên, không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng phù hợp với liệu pháp này, kết quả của nó chủ yếu phụ thuộc vào tình trạng sẹo mụn và loại da của mỗi người. Bên cạnh đó, việc điều trị cũng có thể gây ra phản ứng ở một số người, đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm.

Bóc tách sẹo (Subcutaneous Incision/Subcision)

Bóc tách sẹo thường được áp dụng để điều trị sẹo lõm chân tròn và các loại sẹo lõm khác. Đây là một phương pháp phẫu thuật đơn giản được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ.

Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm hoặc một lưỡi dao mổ nhỏ để chèn vào song song với bề mặt da. Lưỡi dao này sẽ cắt bỏ các chân sẹo, giúp giải phóng hoàn toàn lớp bề mặt da, làm sẹo đầy lên tự nhiên và trả lại cho làn da vẻ mịn màng ban đầu.

Mài mòn da (Dermabrasion)

Khi thực hiện phương pháp này, vùng da cần điều trị của bạn sẽ được gây tê tại chỗ. Các chuyên gia sẽ dùng một thiết bị như bàn chải hoặc bánh xe quay với tốc độ cao để loại bỏ những vết sẹo và khuyết điểm trên da. Sau khi thực hiện, sẹo sẽ mờ dần và các vết sẹo lõm cũng sẽ nông hơn. Phương pháp mài mòn da thường được sử dụng để điều trị sẹo lõm chân vuông.

Từng được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc điều trị sẹo mụn, mài mòn da ngày nay ít được sử dụng do sự phát triển của kỹ thuật tái tạo bề mặt da bằng laser. Thủ thuật mài mòn da có thể gây ra những thay đổi sắc tố đối với những người có tông da tối.

Bạn cũng đừng nhầm lẫn với người “anh em” của nó – phương pháp siêu mài mòn da (microdermabrasion). Đây là một phương pháp ít phức tạp hơn vì không cần gây tê và chỉ tác động đến lớp da chết bên ngoài. Tuy nhiên, siêu mài mòn da chỉ ứng dụng được trong việc xóa thâm và điều trị mụn trứng cá mà hoàn toàn không có hiệu quả trong việc loại bỏ sẹo mụn.

Lăn kim vi điểm (Microneedling)

Lăn kim vi điểm là liệu pháp thẩm mỹ sử dụng con lăn có nhiều đầu kim nhỏ tác động vào vùng da xung quanh vết sẹo để kích thích cơ thể tạo ra collagen. Collagen có thể làm giảm thiểu sự xuất hiện của những vết sẹo mụn bằng cách làm mịn da.

Tuy nhiên, microneedling có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Nhiều người trải nghiệm phương pháp này đã gặp phải tình trạng mẩn đỏ, đau và viêm sau khi điều trị. Nhưng may mắn rằng, tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian và kết quả mà liệu pháp này mang lại sẽ khiến bạn thực sự hài lòng.

Thảo My/HELLO BACSI

Đừng ngần ngại tham gia Cộng đồng Sức khoẻ phụ nữ để chia sẻ chuyện thầm kín, các thắc mắc về sức khoẻ phụ nữ. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ trực tuyến miễn phí hoặc theo dõi các chủ đề khác để nhận được những nội dung liên quan giúp nàng luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.

Đừng quên truy cập Shop Thẩm Mỹ Viện để tìm hiểu thêm về các sản phẩm trị sẹo mụn như Fillerbotox.

Làm thế nào để ngăn ngừa bạch biến?
9 Sự Thật Bạn Cần Biết Về Mặt Nạ Giấy
Close Giỏ hàng
Close Yêu thích
Close Recently Viewed
Close
Compare Products (0 Sản phẩm đã chọn)
Compare Product
Compare Product
Compare Product
Compare Product
Close
Danh mục