Vài năm trở lại đây có thể nói là kỉ nguyên của treatment khi hàng loạt các hoạt chất dần dần lên ngôi làm khuấy đảo giới mê làm đẹp. Tuy nhiên, cách kết hợp hoạt chất thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao nhất vẫn luôn là mối quan tâm của nhiều chị em bởi có quá nhiều ý kiến cũng như tranh cãi xoay quanh câu hỏi siêu to khủng lồ này.
Hoạt chất (Active Ingredients) là gì?
Câu trả lời đơn giản nhất – Hoạt chất là những thành phần có trong các sản phẩm chăm sóc da thực sự hoạt động để giải quyết triệt để các vấn đề cũng như tạo nên sự khác biệt cho làn da. Đây là những thành phần được cho là đã được khoa học chứng minh là có thể thay đổi cấu trúc của làn da ở cấp độ tế bào, đặc biệt là khi bạn kiên trì sử dụng trong một thời gian dài.
Theo FDA, hoạt chất thực sự được xem là thuốc bôi ngoài da (topical drugs). Bất kì thành phần nào được FDA phân loại là thuốc thì phải được gắn mác là “active” trên bao bì của sản phẩm. FDA phân loại một thành phần là hoạt chất nếu việc sử dụng nhằm mục đích điều trị hoặc ngăn ngừa một số tình trạng nhất định hoặc nếu thành phần sẽ thay đổi cách cơ thể hoạt động. Các thành phần hoạt tính cần phải được FDA chấp thuận về cả hiệu quả lẫn độ an toàn trước khi đưa ra thị trường.
Tại sao da lại cần sử dụng treatment?
Thực tế đã chứng minh rằng bất kì làn da nào chịu ảnh hưởng của những tác động mất nước và lão hóa do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì đều cần đến các hoạt chất để hạn chế được những vấn đề về da do tia UVs gây ra. Chúng ta có thể lấy ví dụ như da dầu thì cần những thành phần kiềm dầu trong khi da khô ngoài thành phần cấp ẩm thì còn cần thêm những hoạt chất chống lão hóa mạnh mẽ hơn vì nền da khô sẽ dễ bị lão hóa hơn nền da dầu.
Ngoài ra, da lão hóa thì cần những thành phần hoạt chất có khả năng tăng sinh collagen, duy trì vẽ căng mọng trẻ trung. Da tuổi teen dễ nổi mụn lại cần những active ingredients giúp kháng viêm và kiểm soát sự hoạt động của bã nhờn để đẩy lùi được tình trạng mụn bùng phát. Nhìn chung, mọi làn da chắc chắn đều sẽ được hưởng lợi từ ít nhất 1 không thì vài thành phần hoạt chất nào đó. Điều quan trọng nhất chính là làm sao để layer được những thành phần này, để chúng có thể hoạt động hiệu quả nhất cho da được hưởng lợi nhiều nhất bạn nha.
Những thành phần treatment phổ biến trong skincare
Trước khi đi sâu vào từng thành phần, lại một lần nữa mình muốn khẳng định lại việc nghiên cứu kỹ lưỡng làn da là một bước vô cùng quan trọng quyết định xem những hoạt chất có hiệu quả trên da của bạn không. Nếu bạn đã và đang dành thời gian nghiên cứu về da của mình, thực sự hiểu rõ những vấn đề và nhu cầu của da thì tin chắc rằng bài viết này là dành cho bạn đấy nhé.
Một số loại da phổ biến: (Dưới đây chỉ là liệt kê những loại da phổ biến, tình trạng da có thể thay đổi theo thời gian, hoặc do thay đổi môi trường, thay đổi nội tiết tố trong cơ thể chứ không phải khi sinh ra bạn có làn da dầu thì da bạn sẽ mãi mãi bị bóng dầu đâu nhé).
- Da khô: có xu hướng bong tróc và khô, xuất hiện nếp nhăn, lỗ chân lông nhỏ, dễ bị kích ứng.
- Da nhạy cảm: có thể nhờn hoặc khô, dễ bị kích ứng với các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài, đôi khi mẩn đỏ, bỏng và ngứa.
- Da thường: cân bằng (không nhờn hoặc khô), không nhạy cảm, mịn màng.
- Da hỗn hợp: khô ở một số vùng, bóng dầu ở một số vùng, dễ nổi mụn, kích thước lỗ chân lông to hơn.
- Da dầu: dễ nổi mụn, thường ở trong tình trạng bóng dầu (đặc biệt là ở vùng chữ T), lỗ chân lông to.
- Da lão hóa: khô, thường có tình trạng sạm, có xuất hiện nếp nhăn, lỗ chân lông mở, thiếu độ săn chắc.
Sau khi hiểu rõ được loại da của mình, thì bây giờ sẽ là lúc chúng ta tìm hiểu sâu hơn về các thành phần hoạt tính phổ biến khác để xem những thành phần này sẽ có ích thế nào đối với từng loại da nhé. Nhìn chung, đây chắc chắn không phải là một danh sách đầy đủ ở bất kì phương diện nào vì trên thị trường có vô vàn những hoạt chất khác nhau cần đến sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là những thành phần hoạt tính quan trọng và phổ biến nhất và có khả năng xử lí hầu hết những vấn đề về da phổ biến nhất đã được đề cập đến ở trên.
Nhóm Vitamins
1. Vitamin A (Retinoids / Retinol / Retin-A)
Retinoids là một thành phần có khả năng thúc đẩy sản xuất tế bào da khỏe mạnh, đổi mới tế bào da và tăng sinh collagen. Vitamin A giúp giữ cho làn da săn chắc và khỏe mạnh và có sẵn trong nhiều sản phẩm skincare không kê đơn với nồng độ thấp hơn được gọi là “Retinol”. Bạn có thể dễ dàng tìm mua những sản phẩm Retinol với nồng độ như 0.25%, 0.5%, 1% ở nhiều thương hiệu uy tín trên thị trường.
Ngoài ra, “Retin-A” hoặc “Tretinoin”, là một phiên bản retinoid “nặng đô” hơn, thường thấy trong những đơn thuốc do bác sĩ da liễu kê. Đây là một thành phần hoạt tính mạnh và bạn sẽ luôn được khuyên là cần thận trọng khi sử dụng, kể cả là Retinol hay Tretinoin. Đối với những người mới bắt đầu, hay da nhạy cảm dễ kích ứng, bạn chỉ nên sử dụng 1 lần 1 tuần trong vài tuần đầu và tăng dần sau đó nếu thấy da của bạn phù hợp với hoạt chất này nhé.
2. Vitamin B3 (Niacinamide)
Niacinamide là một dẫn xuất của Vitamin B3, nổi tiếng với khả năng giảm viêm cũng như tấy đỏ do mụn trứng cá. Thành phần này cũng hỗ trợ hạn chế sự hoạt động mạnh mẽ quá đà của tuyến dầu dưới da, từ đó giảm thiểu tình trạng dầu nhờn và lỗ chân lông giãn nở, qua đó giúp cải thiện kết cấu da. Mặc dù là một hoạt chất ít gây kích ứng, hoạt động tốt với hầu hết các loại da nhưng nếu da bạn thuộc tuýp nhạy cảm thì cũng nên bắt đầu từ nồng độ thấp và patch test trước khi sử dụng nhé. Niaciniamide có thể sử dụng được cả buổi sáng và buổi tối.
3. Vitamin C (L-ascorbic Acid hay còn được viết tắt là LAA)
Vitamin C là một trong những hoạt chất chăm sóc da phổ biến nhất, với khả năng nổi trội nhất là giúp làm sáng và đều màu da, cũng giảm thiểu được sẹo mụn và thâm nám, đồng thời cũng hỗ trợ giảm thiểu sự xuất hiện của các nếp nhăn. Cùng với Vitamin E, Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ da chống lại ô nhiễm cũng như các gốc tự do gây hại. Đây cũng là một thành phần “booster” hiệu quả nhất cho kem chống nắng nên Vitamin C luôn được khuyên là sử dụng vào buổi sáng.
Nhóm Acids
1. Hyaluronic Acid (HA)
HA là một trong những thành phần hoạt chất lành tính nhất, hầu như là không gây kích ứng với mọi loại da. Thành phần này xuất hiện tự nhiên trong da và có khả năng giữ độ ẩm gấp 1000 lần trọng lượng của chính mình. Bởi vì khả năng cấp nước, giữ ẩm siêu việt như vậy, Hyaluronic Acid là một hoạt chất phổ biến và hiệu quả trong nhiều sản phẩm, không chỉ ở trong kem dưỡng ẩm thông thường mà còn là ở trong những sản phẩm phục hồi da, là người bạn đáng tin cậy của những làn da nhạy cảm, da khô bong tróc và đặc biệt là da đang sử dụng các hoạt chất treatment.
2. Alpha Hydroxy Acids (AHAs)
Alpha Hydroxy Acids là một loại axit tự nhiên được tìm thấy trong đường hữu cơ, sữa và trái cây có đường với mục đích chính là tẩy tế bào chết cho da – cải thiện kết cấu da trông đều màu và mịn màng hơn. AHA là một phân tử tan trong nước, hoạt động chủ yếu ở trên bề mặt da. Có 3 loại AHA phổ biến trên thị trường mà bạn cần tìm hiểu.
- Glycolic Acid: Được chiết xuất từ đường, Glycolic Acid có các phân tử nhỏ nhất, dễ dàng hoạt động ở lớp trên cùng cũng như sâu hơn của da. Thành phần cũng thúc đẩy sản xuất collagen, giúp cải thiện độ đàn hồi của da và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Phù hợp nhất cho các loại da thường, da hỗn hợp, da dầu.
- Lactic Acid: Được chiết xuất từ sữa, Lactic Acid hoạt động theo cách tương tự như Glycolic Acid, nhưng vì có các phân tử lớn hơn nên thành phần không thấm sâu vào da, từ đó cũng đỡ kích ứng hơn. Lactic Acid phù hợp nhất với các loại da khô, nhạy cảm và dễ bị mụn.
- Mandelic Acid: Có nguồn gốc từ hạnh nhân với những phân tử có kích thước lớn hơn hẳn so với 2 thành phần trên nên Mandelic Acid luôn được những làn da nhạy cảm tin tưởng sử dụng. Với đặc tính kháng khuẩn, Mandelic Acid cũng là trợ thủ đắc lực cho những làn da đang bị mụn cần chữa trị.
3. Beta Hydroxy Acid (BHA)
BHA là một loại acid tan trong dầu nên sẽ thẩm thấu sâu hơn vào lỗ chân lông để xử lí triệt để những tế bào da chết, mụn đầu đen và bã nhờn dư thừa. Ngoài ra, BHA cung cấp lợi ích chống viêm và kháng khuẩn, phù hợp với những người có làn da nhờn và dễ bị mụn trứng cá. Vì là một hoạt chất khá mạnh, nên những làn da nhạy cảm cần cân nhắc kĩ lưỡng hoặc nên hỏi bác sĩ trước khi quyết định sử dụng sản phẩm có chứa BHA nhé. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng BHA khi đang mang thai hoặc cho con bú hoặc cơ thể dị ứng với aspirin nha.
Được chiết xuất từ các nguồn tự nhiên như vỏ cây liễu hoặc vỏ cây bạch dương ngọt, Salicylic Acid là BHA phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da. Thành phần này hoạt động bằng cách thâm nhập vào các lỗ chân lông để phá vỡ các liên kết trong niêm mạc lỗ chân lông, nơi các tế bào kết dính với nhau, qua đó giúp lỗ chân lông được sạch sẽ và thông thoáng. Với khả năng này, Salicylic Acid có khả năng làm nhỏ lỗ chân lông và giữ cho làn da được thông thoáng từ bên trong, giảm nguy cơ nổi mụn trong tương lai.
4. Polyhydroxy Acids (PHAs)
PHA được gọi là “anh em họ mới được phát hiện của AHA”. Tương tự như AHA, PHA là các phân tử tan trong nước nên sẽ có tác dụng bổ sung độ ẩm và làm đầy đặn lớp ngoài của da. Sự khác biệt chính giữa AHA và PHA là PHA có cấu trúc phân tử lớn hơn, có nghĩa là chúng hoạt động chủ yếu ở lớp ngoài cùng của da, đủ nhẹ nhàng và phù hợp với những người có da khô hoặc da nhạy cảm. Một số PHA phổ biến bạn có thể tìm thấy trên bao bì của các sản phẩm skincare như Gluconolactone, Galactose hay Lactobionic.
Nhóm SPF
SPF là viết tắt của “Sun Protection Factor” dùng để chỉ mức độ bảo vệ da của kem chống nắng khỏi tia UVs gây hại, có thể gây ra những hậu quả như bỏng da, nám, tàn nhang, da xỉn màu hoặc thậm chí là ung thư da. Kem chống nắng cần được sử dụng hàng ngày, và khi bạn sử dụng 1 trong những thành phần treatment ở trên (trừ HA) thì SPF lại càng cần lưu tâm hơn, cần re-apply lại vài lần trong ngày để đảm bảo da luôn được bảo vệ tối ưu nhất.
- Kem chống nắng hóa học: Chứa những thành phần hoạt chất như oxybenzone, octinoxate, octisalate, avobenzone, hoạt động theo phản ứng hóa học trong đó bất kỳ tia UV nào chiếu vào da sẽ được hấp thụ và biến đổi thành nhiệt rồi giải phóng khỏi da. Kem chống nắng hóa học có xu hướng mỏng hơn, không để lại vệt trắng, phù hợp để sử dụng hàng ngày nhưng lại có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm.
- Kem chống nắng vật lí: Chứa các thành phần khoáng chất như Zinc Oxide và Titanium Dioxide, nằm trên da để làm lệch hướng và phân tán các tia UV xâm nhập, tức là ngăn chặn tia UV một cách vật lý. Kem chống nắng khoáng thường có kết cấu hơn, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và cần nhiều thời gian hơn để kem thẩm thấu hoàn toàn vào da. Sản phẩm phù hợp hơn cho những người có loại da nhạy cảm, dễ kích ứng.
Tại sao không nên sử dụng quá nhiều hoạt chất trong một chu trình dưỡng da?
Đến đây, có phải bạn thấy active ingredients thật thần kì đúng không, có thể giải quyết triệt đề hàng loạt những vấn đề của da? Và có khi nào bạn đang “ủ mưu” là sẽ cố gắng bưng hết những hoạt chất xịn sò kia vô da của mình trong cùng một lúc? Ôi không, đừng bao giờ có hành động đó nhé, mỗi một hoạt chất mang trong mình sứ mệnh chăm sóc da riêng biệt và làn da thì cần thời gian cũng như sức lực để thích ứng với những điều trị đó. Dưới đây là ba lí do bạn không nên sử dụng quá nhiều sản phẩm có hoạt chất trong cùng một chu trình chăm sóc da.
1. Hàng rào bảo vệ da sẽ bị suy yếu
Với rất nhiều các sản phẩm chứa hoạt chất trên thị trường hiện nay, và đặc biệt là cách tiếp thị mua trọn bộ, sử dụng càng nhiều sản phẩm càng tốt của các thương hiệu thì tình trạng lạm dụng những thành phần hoạt chất lại càng dễ xảy ra.
Và kết quả thực sự? Hàng rào bảo vệ da càng ngày càng suy yếu. Và khi hàng rào bị suy giảm, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự gia tăng độ nhạy cảm của da, da dễ kích ứng, nổi mụn, khô bong tróc, và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Lạm dụng quá nhiều các thành phần hoạt tính mà không cho da thời gian để thích ứng, cơ hội được cấp ẩm và phục hồi thì đó sẽ là hậu quả bạn sẽ phải đối mặt ở thì tương lại nhé.
2. Da bị “quá tải”
Số lượng sản phẩm bạn apply lên da vô cùng quan trọng – không chỉ đối với làn da mà còn đối với ví tiền của chính bạn. Ai mà chẳng biết hoạt chất là tốt và ai cũng sẽ biết đầu tư các sản phẩm hoạt chất là vô cùng tốn kém. Trong khi da thì cần thời gian để thích ứng mà sản phẩm hoạt chất cần thời gian nhất định để hoạt động và đem lại hiệu quả cho da. Việc thoa quá nhiều không những không thúc đẩy được da đẹp nhanh hơn mà ngược lại làm cho da bị overload dẫn đến hiện tượng “bung bét” không mong muốn. Từ đó, mặc dù sản phẩm tốt thật nhưng do bạn lạm dụng nên lại thành ra bị phí phạm.
3. Sử dụng những sản phẩm không phù hợp
Đây là một phản ứng theo bản năng – là khi bạn của bạn hay những người có sức ảnh hưởng trong xã hội (KOLs) review về một sản phẩm vô cùng tốt và hiệu quả và bạn cũng ngay tức tốc mua về để sử dụng. Chưa hết, tồi tệ hơn là bạn thường sẽ đi nghe từ 2-3 kênh và luôn có xu hướng gộp 2-3 kênh đó lên mặt mình, có nghĩa là kênh 1 review sản phẩm A tốt, kênh 2 giới thiệu sản phẩm B hiệu quả và bạn cứ thế mà bưng hết lên da.
Nhưng thực tế là da người khác hợp không có nghĩa là da bạn đã hợp, đó chỉ là đang nói về từng thành phần riêng lẻ thôi nhé, chứ chưa đến việc layer (còn phức tạp hơn) đâu nha. Bạn cần nhớ rằng mỗi người trong chúng ta ở đây đều sở hữu những làn da khác nhau và mỗi làn da lại có những vấn đề cũng như nhu cầu khác nhau hoàn toàn. Bạn cần lắng nghe làn da thay vì lắng nghe người ngoài để chọn những sản phẩm hay combo sản phẩm phù hợp nhất nhé.
Tại sao cần phải chú ý đến độ pH khi layering sản phẩm skincare?
Thuật ngữ pH là viết tắt của cụm từ “potential of hydrogen” được dùng để mô tả tỉ lệ axit-kiềm của những sản phầm dưỡng da. Độ pH của các sản phẩm được biểu thị bằng thang số từ 0-14, bất kỳ dung dịch có độ pH dưới 7 (pH trung bình) thì được coi là có tính axit trong khi trên 7 thì là có tính kiềm.
Lí do chúng ta cần cân nhắc đến độ pH của những sản phẩm hoạt chất khi muốn kết hợp với nhau vì việc cố gắng giữ cân bằng độ pH trên da là vô cùng quan trọng. Và một số hoạt chất thường sẽ hoạt động tốt trong các môi trường pH khác nhau. Da của chúng ta thường có độ pH cỡ khoảng 5,5 trong khi mức độ pH trung bình của các thành phần hoạt tính lần lượt là:
- Nhóm Acids: pH 3-4
- Niacinamide: pH 5-7
- Retinol: pH 5-6
- Vitamin C: pH 3,5-5
Đương nhiên chúng ta luôn muốn có thể layer nhiều hoạt chất nhất có thể để da được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta lại bị bối rối vì không biết xài món nào và bỏ món nào. Và giờ đây việc lắng nghe làn da, luôn nhớ rõ công thức độ pH thấp trước rồi đến pH cao sau và tuân thủ theo những quy luật căn bản dưới đây nha.
Cách kết hợp hoạt chất khoa học, an toàn và hiệu quả
7 “mối quan hệ” phổ biến nhất
1. Vitamin C + Niacinamide: Khá phức tạp
Đây là một trong những mối quan hệ hoạt chất phức tạp nhất trong vô vàn những nghiên cứu xoay quanh 2 thành phần này, nhiều bài báo thì nói bạn có thể kết hợp được trong khi đa số lại khẳng định rằng việc kết hợp 2 hoạt chất này sẽ khiến da bị breakout, thậm chí là purging. Về lý thuyết, lí do 2 hoạt chất này không nên kết hợp với nhau chủ yếu nằm ở độ pH mà thôi. Vitamin C thường có trong công thức với độ pH là 3,5 trong khi độ pH của Niaciniamide là chừng 5-7. Chính độ pH thấp hơn của Vitamin C sẽ chuyển hóa Niacinamide thành Niacin – gây đỏ và bong tróc da.
Tuy nhiên, lý thuyết này chỉ dành cho Vitamin C dạng nguyên chất và khi Vitamin B3 tiếp xúc với Vitamin C ở nhiệt độ cao trong khoảng thời gian dài mà thôi. Chưa hết, trên thực tế Niacinamide là một thành phần khá bền vững, rất khó để cho Vitamin C có thể trung hòa và chuyển hóa thành phần này trong những trường hợp bình thường.
Vậy nên đừng lo lắng khi layer 2 hoạt chất này nhé, bởi sự kết hợp này vẫn có khả năng giúp cải thiện sắc tố và kết cấu da vô cùng hiệu quả đó nè. Nhưng để cho chắc chắn, hãy cách 2 bước hoạt chất này chừng 15-20p để đảm bảo Vitamin C đã hoạt động xong và đến lượt Niacinamide nha. Hoăc nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn có thể sử dụng 2 thành phần này xen kẽ cách ngày hoặc Vitamin C cho buổi sáng và để dành Niaciniamide cho buổi tối nghen.
2. Niaciniamide + Retinol: Tình yêu là có thật
Thực sự là không nói quá chút nào đâu nhé. Retinol siêu sao đỉnh cao chống lão hóa lại có một lỗ hổng khổng lồ là khả năng gây châm chích kích ứng cho da. Trong khi Niaciniamide nhẹ nhàng, dịu dàng lại giúp “calm” lại những kích ứng mà Retinol gây nên cho làn da, thành phần cũng giúp củng cố lại hàng rào da một cách hiệu quả. Vậy nên các bạn cứ mạnh dạn để Retinol tấn công da vào buổi tối rồi sáng dậy lại xoa dịu em nó bằng Vitamin B3, đảm bảo da sẽ đẹp nha.
3. AHAs + Retinol: Hãy cẩn thận nhé!
Cả 2 thành phần này đều nổi tiếng với khả năng tăng doanh thu tế bào vô cùng hiệu quả. Thường thì sẽ không ai khuyên bạn layer AHAs với Retinol trong cùng một chu trình skincare buổi tối đâu, vì da sẽ có khả năng breakout cũng như đỏ rát bất cứ lúc nào. Phần lớn bạn sẽ thấy những hướng dẫn dạng như dùng AHAs xen kẽ với Retinols cách ngày vào mỗi buổi tối hoặc Retinol buổi tối, AHAs buổi sáng kèm với kem chống nắng được thoa lại đều đặn.
Tuy nhiên, bật mí với các bạn rằng bạn vẫn có thể layer 2 thành phần này trong 1 skincare routines, và việc kết hợp này thực sự là có “work” nha, đặc biệt là khi bạn đa muốn điều trị mụn ẩn. Có một vài lưu ý nếu bạn muốn liều một lần với 2 hoạt chất này nha. Thứ nhất, luôn lắng nghe làn da trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm, sử dụng AHAs trước, chờ cho AHAs thẩm thấu hết (chừng 20 phút) rồi thoa đến Retinol. Nếu da bạn sau khi thoa AHAs cảm giác hơi châm chích thì OK, nhưng nếu quá châm chích thì bạn có thể dặm một lớp Hyaluronic Acids rồi tiếp tục chờ sau đó mới thoa Retinol.
Thứ 2, bạn cần chú tâm phục hồi da một cách cẩn thận vào buổi sáng, tránh hết các hoạt chất có khả năng gây kích ứng, kể cả Vitamin C, chỉ tập trung và phục hồi và dưỡng ẩm. Thứ 3, đầu tư kem chống nắng xịn sò, chuyên dành cho da treatment, thoa lại kem chống nắng 2-3 lần trong ngày để da được bảo vệ tối ưu nhất nhé.
4. AHAs + Vitamin C: Bổ trợ hoàn hảo cho nhau
2 thành phần này hoạt động tốt nhất ở cùng một khoảng pH nên việc layer sẽ diễn ra vô cùng vui vẻ và hòa thuận. Trong khi AHAs tốt nhất là nên sử dụng vào ban đêm thì Vitamin C có thể được sử dụng vào cả 2 chu trình sáng và tối nha.
5. Retinol + Vitamin C: Đôi bạn cùng tiến
Retinol giúp trẻ hóa làn da bằng cách loại bỏ lớp sừng, tái tạo làn da và tăng sinh collagen trong khi Vitamin C cũng giúp duy trì vẻ ngoài tươi trẻ bằng cách cải thiện những đốm đen sạm màu, cải thiện kết cấu cũng như đều màu da, hỗ trợ làm sáng da hiệu quả. Trong khi Retinol chỉ có thể dùng được vào buổi tối, hoạt động tốt nhất ở độ pH cao, thì Vitamin C lại là một trong những serum ưa buổi sáng, hoạt động tốt ở độ pH thấp, có khả năng boost cho kem chống nắng hoạt động hiệu quả hơn. Thế nên mới nói đây chắc chắn là một cặp bài trùng hoàn hảo cho làn da lão hóa, thâm nám cần cải thiện cấp tốc nhé.
6. AHA + BHA: Tuyệt vời quá!
Đầy rẫy những sản phẩm lại còn thiết kế cho cả AHA với BHA ở chung một nhà cơ, thế thì có lí do gì mà không layer được với nhau nhỉ, chỉ có là làn da mong manh của bạn có “chịu nổi nhiệt” không mà thôi. Thực tế mình vẫn hay dùng xen kẽ BHA và AHA cách ngày vào buổi tối, để cho da đỡ bị quá mệt ý. Nhưng nếu khi da đã hết mụn, mình lại ngưng BHA và thế vào đó là Retinol xen kẽ cùng AHA để nuôi dưỡng da căng mọng. Còn chừng nào mụn ẩn sần sần thì cứ combo AHA với Retinol mà trét thôi nè.
7. Niacinamide + BHA/AHA: Đôi bạn cùng chung chí hướng
Bất cứ ai bị mụn, hoặc chỉ là da dầu lỗ chân lông to thì chắc chắn đã quen với BHA/AHA rồi đúng không. Nếu như AHA chỉ đơn giản là tẩy tế bào chết trên bề mặt da thì BHA hoạt động sâu hơn, điều trị mụn trứng cá bằng cách nhắm mục tiêu và loại bỏ dầu và các mảnh vụn tế bào chết khỏi lỗ chân lông. Sử dụng 1 trong 2 hoặc cả 2 hoạt chất này thì xác định khả năng da kích ứng (nếu nặng) hoặc châm chích râm ran (nếu nhẹ) là vô cùng cao.
Đây là lúc mà Niaciniamide thể hiện được khả năng của mình. Đây là một chất chống viêm tuyệt vời có thể giúp điều chỉnh kích ứng của nhiều hoạt chất mạnh bạo. Và thành phần kết hợp hoàn hảo với AHA/BHA vì cả hai đều hoạt động hướng tới cùng một mục tiêu cuối cùng là điều tiết tuyến dầu, cải thiện lỗ chân lông và hạn chế sự hình thành của mụn. Chưa kể Vitamin B3 còn xử lí những vết thâm mụn cũng hiệu quả lắm nè.
Bây giờ layer thế nào nhỉ?
Là một dân skincare chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ chẳng xa lạ gì với thuật ngữ gốc dầu (oil-based) và gốc nước (water-based) nữa đúng không? Nói chung, tốt nhất là bạn nên thoa những hoạt chất gốc nước trước khi sử dụng các hoạt chất gốc dầu. Chỉ cần nhớ đợi cho đến khi các hoạt chất gốc nước khô trước khi áp dụng các hoạt chất gốc dầu bạn nhé.
- Hoạt chất gốc nước: Niaciniamide, AHA/BHA/PHA, Hyaluronic Acid, Vitamin C (L-Ascorbic, Glyceryl Ascorbate, Magnesium Ascorbyl Phosphate), Peptide.
- Hoạt chất gốc dầu: Vitamin C (Tetrahexyldecyl Ascorbate), Retinol, Ceramide.
Thời gian chờ
Nếu chỉ đơn giản là toner–> serum sương sương –> kem dưỡng thì chắc chắn bạn sẽ thấy cụm từ “thời gian chờ” quá loằng ngoằng và tốn thời gian. Nhưng một khi đã dấn thân vào trong giới hoạt chất treatment thì “20 phút thời gian chờ” này lại là một trong những khoảnh khắc vàng của một chu trình skincare.
Lý do phổ biến nhất chính là để tránh những độ pH khác nhau trong sản phẩm sẽ “hủy hoại” khả năng của những người bạn đồng hành. Và một lý do khá “tâm linh” khác chính là bạn cần chờ cho hoạt chất 1 thẩm thấu và hoạt động ổn định trước khi giới thiệu cho da hoạt chất thứ 2, để da khỏi bị overloaded khi tiếp nhận quá nhiều hoạt chất cùng một lúc. Từ đó, tình trạng kích ứng trên da cũng được hạn chế đến mức thấp nhất.
Việc tập trung tìm hiểu vào các thành phần trong những sản phẩm dưỡng da (thay vì chỉ dựa vào những thông tin trên bao bì sản phẩm hay những lời hứa hẹn của nhà sản xuất) sẽ thực sự hiểu được cách các hoạt chất đó làm việc và hoạt động trên da. Khi hiểu được chi tiết như vậy, việc chúng ta layer các thành phần trong những chu trình skincare khác nhau thì không còn quá phức tạp nữa.
Và cuối cùng, khi các hoạt chất có cơ hội thực hiện được đúng công năng của mình ở trên da thì việc những vấn đề về da được cải thiện và sẽ trở nên khỏe đẹp từng ngày chỉ còn là việc bạn có kiên trì sử dụng không thôi nhé. Chúc các bạn thành công!
Cùng tìm hiểu thêm một vài bài viết chia sẻ những tips chăm sóc da tại đây:
- Serum có công dụng gì? Chia sẻ bí quyết lựa chọn serum phù hợp nhất cho từng nhu cầu của da
- Vì sao lỗ chân lông to? Bí quyết nào giúp làm sạch sâu da, thu nhỏ lỗ chân lông hiệu quả
- Cách sử dụng kem chống nắng đúng cách để da được bảo vệ tốt nhất
Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy cổ vũ chúng mình bằng một click 5* cũng như chia sẻ bài viết rộng rãi đến nhiều chị em bạn dì hơn nhé. Bạn cũng đừng quên thường xuyên ghé chuyên mục Làm đẹp của ithammy.com để cập nhật thêm những bài viết chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp bổ ích, dễ hiểu nha.