Mụn nước trên da là tình trạng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đa số mọi người hay cảm thấy khó chịu, đau đớn và cảm thấy ngứa nổi mụn nước, nhưng hầu hết đều không phải là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về tình trạng bị nổi mụn nước và cách trị mụn nước qua bài viết dưới đây nhé!
Mụn nước là bệnh gì?
Mụn nước là triệu chứng của bệnh ngoài da. Chúng xuất hiện như những nốt mụn nhỏ với đầy dịch bên trong. Phần dịch có thể trong suốt, màu trắng đục, vàng hay có lẫn máu. Các nốt mụn nước này thường có kích thước nhỏ dưới 5mm. Những nốt có kích thước lớn hơn được gọi là bóng nước.
Mụn nước có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất mụn nước ở tay, hay chân nổi mụn nước. Chúng rất dễ vỡ và làm chảy dịch ra ngoài. Khi dịch khô đi có thể lại lớp mài màu vàng trên da.
Những biểu hiện bị mụn nước và triệu chứng đi kèm
Bạn rất dễ nhận thấy các nốt mụn này vì chúng phồng rộp lên trên bề mặt da và có chứa dịch lỏng bên trong. Mụn nước khá dễ vỡ và dịch bên trong sẽ chảy ra ngoài. Khi khô đi, tại vị trí có nốt mụn có thể chuyển sang màu vàng hoặc đóng vảy. Khi bạn bị phát ban trên da ở vị trí có nhiều nốt mụn này thì được gọi là phát ban mụn nước.
Tình trạng đó có thể xảy ra do thời tiết nóng ẩm, nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc.
Mụn nước có dễ lây lan?
Một số bệnh lý hay tình trạng khác gây ra dấu hiệu, triệu chứng tương tự như mụn nước là:
- Mụn nhọt, chân nổi mụn nước
- Bỏng
- Bỏng lạnh
- Nhiễm trùng tụ cầu
- Nốt sần trên da
- U sợi thần kinh hoặc khối u phát triển trên dây thần kinh
- Nhiễm trùng nang lông
Nếu bạn có các dấu hiệu bất thường trên da mà không biết nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Nguyên nhân nổi mụn nước là gì?
Tự nhiên nổi mụn nước khắp người có thể do những nguyên nhân sau:
- Ma xát
Khi vật gì đó chà xát lên làn da trong thời gian dài khiến da bị phồng rộp và hình thành chất lỏng tích tụ ở các lớp trên của da.
Các vết phồng rộp do ma sát thường xuất hiện ở bàn chân và bàn tay, như ma sát gây phồng rộp khi đi bộ quá nhiều với đôi giày không vừa vặn hoặc do không đi vớ tất; Khi bạn cầm xẻng hoặc các dụng cụ khác trong thời gian. Mụn nước dễ hình thành hơn vùng da thường đổ mồ hôi và trong điều kiện ấm áp.
- Viêm da tiếp xúc:
Da phản ứng với các chất gây dị ứng như cây thường xuân, dị ứng niken kim loại, cây hoa anh thảo, cao su, chất kết dính hoặc chất kích thích khác.
- Do nhiệt độ
Một số trường hợp mụn nước xuất hiện khi da tiếp xúc với nhiệt độ quá cao như vết bỏng (vết bỏng cấp độ hai) hoặc cháy nắng. Đặc biệt việc tay bị tê cóng (da bỏng lạnh) cũng gây kích thích khiến mụn nước hình thành.
- Côn trùng cắn
Mụn nước cũng có thể phát triển như một phản ứng dị ứng với vết côn trùng cắn hoặc khi côn trùng châm chích. Nguy hiểm bệnh bùng phát thành vết loét gây đau đớn ngay vùng vết côn trùng cắn.
- Chàm dị ứng
Tình trạng viêm da do các chất gây dị ứng gây ra hoặc làm nặng thêm và có thể hình thành các nốt mụn chứa đầy dịch bên trong. Thậm chí có trường hợp, chàm có biểu hiện mụn chứa dịch mủ ở lòng bàn tay, bàn chân khi gãi và làm lây lan ra các bộ phận khác.
- Nhiễm trùng, chốc lở da do vi khuẩn:
Đây là loại bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn truyền nhiễm và là nguyên nhân phổ biến khiến người lớn và trẻ nhỏ bị mụn nước.
- Bệnh thủy đậu
Thường có triệu chứng nổi mụn nước ngứa khắp người. Virus thủy đậu cũng gây ra bệnh zona hoặc herpes zoster. Khi virus tái hoạt động ở một số người sẽ gây ra nhiều triệu chứng và có thể gây phát ban da với nhiều nốt mụn chứa dịch dễ vỡ.
- Herpes
Bệnh herpes xuất hiện khiến da nhiễm virus, gây phồng rộp, cùng với chất lỏng ở vết loét. Bệnh có khả năng lây lan qua đường sinh dục (STI) thường ảnh hưởng nhất đến háng. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng lây nhiễm khi sử dụng chung đồ cá nhân.
- Bệnh ghẻ
Một bệnh da liễu do con ve nhỏ gây ra, dẫn đến nổi mụn nước ở bàn chân hoặc lòng bàn tay ở trẻ nhỏ
- Bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh nhiễm virus thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, khiến mụn nước xuất hiện trên các bộ phận cơ thể ở trẻ em dưới 10 tuổi. Virus gây bệnh lây bệnh qua việc tiếp xúc với nước bọt, chất nhầy, nước bọt, phân hoặc mụn nước của người bệnh.
Hiếm gặp hơn, nổi bọng nước trên người có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như:
- Rối loạn tự miễn như bọng nước pemphigoid
- Viêm da dạng herpes
- Ly thượng bì bóng nước.
Những ai thường bị nổi mụn nước?
Tình trạng bị mụn nước rất thường gặp và có thể ảnh hưởng bất cứ ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nổi các mụn nước ngứa, bao gồm:
- Mang vớ cotton
- Da đổ mồ hôi ẩm
- Bàn chân phẳng
- Sử dụng thuốc lá
Cách trị mụn nước hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán?
Bác sĩ sẽ kiểm tra cơ thể và hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến lối sống, triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh để loại trừ các bệnh lý có xuất hiện mụn nước.
Những phương pháp nào dùng để chữa trị mụn nước?
Hầu hết mụn nước không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như nổi mụn nước do nhiễm trùng sẽ cần được điều trị đặc hiệu để hạn chế phát sinh biến chứng nghiêm trọng hơn. Vậy bị mụn nước ở chân thì phải làm sao? Một số cách trị mụn nước bạn có thể tham khảo như:
- Giữ mụn nước khô và không bị vỡ: Bạn có thể sử dụng miếng gạc hoặc băng dính để giữ nốt mụn không bị vỡ
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng nổi mụn nước giúp da hạn chế tình trạng bị viêm
- Xác định nguyên nhân, hoá chất: Bên cạnh đó, để có cách xử lý mụn nước, bạn nên xác định rõ nguyên nhân mụn nước là gì. Nếu nguyên nhân nổi mụn nước liên quan đến hóa chất hoặc thuốc, bạn nên ngừng sử dụng những sản phẩm gây dị ứng này.
- Thuốc trị mụn nước: Dạng bệnh lý tự miễn như bệnh bọng nước Pemphigoid chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Bác sĩ có thể kê toa thuốc điều trị để giúp bạn kiểm soát các triệu chứng, bao gồm các loại thuốc bôi mụn nước steroid để làm giảm chứng phát ban da hoặc các kháng sinh để chữa nhiễm trùng da.
- Phương pháp rạch tháo áp xe: Nếu các nốt mụn này quá lớn kèm theo nhiễm trùng, bác sĩ sẽ có thể điều trị bằng phương pháp rạch tháo áp xe kèm dẫn lưu dịch ra ngoài với điều kiện vô trùng.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ để có cách chữa mụn nước hiệu quả nếu mụn nước có các đặc điểm sau:
- Có dấu hiệu nhiễm trùng: dịch mủ bên trong có màu vàng hoặc màu xanh và gây đau, đỏ, nóng tại vùng da bị nổi mụn nước
- Tái phát liên tục
- Xuất hiện ở nơi bất thường chẳng hạn như trên mí mắt hoặc bên trong miệng
- Xảy ra sau khi bị cháy nắng nặng, bỏng hay phản ứng dị ứng
Phòng ngừa mụn nước tái phát
Giữ vệ sinh sạch vùng da nổi mụn nước ngứa
Để làm giảm các cơn đau, khó chịu, bạn có thể chích dẫn lưu dịch ra ngoài nhưng vẫn giữ nguyên lớp da phía trên trần mụn, không để bị trợt da:
- Khi bạn bị mụn nước ở tay hay mụn nước ở chân, cần phải rửa sạch tay và mụn nước bằng xà phòng và nước ấm.
- Rửa sạch vùng da nổi mụn bằng nước muối hay i-ốt.
- Khử trùng cây kim bằng cồn trước khi dùng để chích vào mụn nước. Hãy nhắm vào một số điểm gần rìa của mụn nước để thoát dịch và giữ lại lớp da ở trên.
- Thoa thuốc mỡ vào nốt mụn và đắp một miếng gạc lên trên, không cần dán băng lại. Nếu có dấu hiệu phát ban, bạn hãy ngừng sử dụng thuốc mỡ.
- Thay quần áo mỗi ngày. Thoa thêm thuốc mỡ và băng lại.
Tránh ma xát ở da
- Để ngăn chặn ma xát các mụn nước ở chân, bạn nên mang giày dép phù hợp và mang vớ tạo độ ẩm.
- Bạn cũng có thể thử gắn vải bông vào bên trong giày đẻ tránh bị chà sát hoặc rắc bột talc bên trong vớ, đây cũng là cách ngăn ngừa và chữa mụn nước ở chân.
- Đeo găng tay có thể giúp ngăn ngừa và cũng là cách trị mụn nước ở tay tại nhà hiệu quả.
Đọc thêm các vấn đề về da liên quan
Bị nổi vòng tròn đỏ trên da là bệnh gì?
Tay ngứa nổi mụn nước là bệnh gì và cách điều trị nào hiệu quả?
Điểm danh 10 bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn thường gặp
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết, cách trị và phòng ngừa
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.