Những điều nên và không nên bạn cần chú ý trong việc ngăn ngừa vết sẹo hình thành để cải thiện làn da nhanh chóng và lấy lại sức sống cho da.
Cho dù chúng ta luôn cẩn thận, tai nạn cũng sẽ xảy ra bất ngờ và để lại các vết sẹo không mong muốn. Sẹo là một phần tự nhiên trong tiến trình tự làm lành vết thương của cơ thể. Sẹo đôi khi làm ảnh hưởng đến diện mạo bên ngoài của bạn. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng nhiều khi vết sẹo trở nên sậm màu. Dưới đây là những điều quan trọng bạn cần lưu ý để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của vết sẹo.
Những điều cần biết về sẹo
Việc hình thành sẹo là một phần hoàn toàn bình thường trong cơ chế tự làm lành của cơ thể. Khi da bị tổn thương, collagen sẽ được sản xuất ra với số lượng lớn để làm lành vết thương càng nhanh càng tốt. Những mô mới được tái tạo không khớp và trở nên tách biệt với các vùng da cũ xung quanh nên tạo ra những mảng sẫm màu khác biệt.
Sự xuất hiện của vết sẹo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm hình dạng, kích thước, độ sâu của vết thương, lượng máu nuôi mô sẹo, màu da và độ dày của da.
Có 3 loại sẹo chính bạn cần biết để ngăn ngừa vết sẹo:
- Sẹo lõm hình thành do phần hạ bì ở da bị tổn thương nặng. Collagen và eslatin tạo nên độ căng mịn, đàn hồi của da bị đứt gãy, không thể phục hồi lại, do đó tạo nên những vết lõm trên bề mặt da.
- Sẹo phì đại là những vết sẹo nhô lên khỏi mặt da, màu đỏ hồng, có kích thước và hình dạng tương ứng với vết thương.
- Sẹo lồi cũng là vết sẹo nhô lên khỏi mặt da như sẹo phì đại, có hình dạng không đều, bề mặt nhẵn bóng, sậm màu và cứng hơn so với da lành vùng xung quanh sẹo, và khác sẹo phì đại ở chỗ sẹo lồi thường có phần bề mặt phát triển lan rộng hơn, lớn hơn vết thương thực tế. Sẹo lồi có xu hướng di truyền và khó kiểm soát. Chúng xuất phát từ sự sản xuất collagen dư thừa và có thể được điều trị bằng cách tiêm thuốc steroid vào vùng bị ảnh hưởng. Bạn nên tham vấn chuyên gia y tế để có phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả nhất.
Ngăn ngừa vết sẹo: Những điều nên và không nên
Những mẹo đơn giản sau sẽ giúp bạn giảm sẹo hiệu quả:
- Khâu vết thương nếu cần. Các vết cắt rộng hoặc sâu thường lành nhanh hơn sau khi được khâu cẩn thận. Bạn cần nhớ rằng, vết thương phải được khâu càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ, vết thương có khả năng bị nhiễm trùng. Vết thương khi đã bắt đầu lành sẽ gây trở ngại cho việc khâu.
- Giữ ẩm cho vết thương. Việc chăm sóc vết thương cũng rất quan trọng để ngăn ngừa vết sẹo. Thoa một lớp gel dưỡng ẩm vào vết thương và băng lại. Điều này sẽ giúp làm lành vết thương nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ sẹo hình thành.
- Đừng rơi vào cám dỗ bởi những mẫu quảng cáo về các loại kem trị sẹo. Bạn nên chọn lựa những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín và quan trọng là có các thành phần dịu nhẹ, phù hợp với cơ địa của mình.
- Massage vết sẹo: Massage nhẹ nhàng sẹo hằng ngày giúp phá vỡ mô sợi gây sẹo, cải thiện lưu thông mạch máu, đồng thời sẽ giúp vết sẹo mờ nhanh hơn.
- Tránh ánh nắng mặt trời. Bạn nên giữ cho sẹo tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để ngăn ngừa vết sẹo trở nên sẫm màu hơn.
- Để vết thương tự lành. Bạn không nên sử dụng hydrogen peroxide quá thường xuyên vì nó có nguy cơ gây kích ứng liên tục và làm chậm quá trình lành thương. Bạn cũng không nên lấy đi lớp da non phía trên vết thương khi chưa lành hẳn. Đây là quá trình sinh học tự nhiên để làm lành da. Việc lấy đi lớp da non nhiều lần khi một vết thương đang lành sẽ làm chậm quá trình phục hồi và tăng thêm sẹo.
- Kiên nhẫn. Việc chữa trị sẽ mất nhiều thời gian. Giai đoạn đầu chữa trị sẽ mất 3 tháng, giai đoạn thứ hai kéo dài thêm 3 tháng nữa.
Để làm mờ, phẳng và giảm kích thước của sẹo đòi hỏi sự kiên trì và cẩn trọng của bạn rất nhiều. Những vết sẹo hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau cần một phương pháp tối ưu để có thể cải thiện hình dạng và màu sắc.
Nhiều người thường đợi đến khi sẹo hình thành rõ rệt rồi mới bắt đầu dùng gel chăm sóc sẹo, và việc sử dụng cũng không tuân thủ thời gian lẫn liều lượng, do đó mà hiệu quả ngăn ngừa vết sẹo không cao. Tốt nhất, bạn nên dùng gel chăm sóc sẹo ngay khi vết thương đã khép miệng và lên da non để cải thiện sẹo một cách tối ưu nhất nhé.
Ngoài ra, bạn hãy tham khảo thêm bài viết “Phân loại sẹo và cách trị sẹo mà bạn nên biết’ để biết thêm thông tin về sẹo nhé.